Văn hóa Xứ_Đông

Về mặt truyền thống, vùng trọng tâm văn hóa của xứ Đông thuộc 2 tỉnh-thành Hải DươngHải Phòng ngày nay là nơi có nhiều đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam. Từ thời nhà Trần qua thời Lê sơ đến thời nhà Mạc, vùng này là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất của Đại Việt. Thời Mạc thịnh trị, kinh tế và văn hóa xứ Đông vẫn duy trì vị trí của một trong những trung tâm hàng đầu bởi là nơi phát tích của nhà Mạc và là nơi đặt kinh đô thứ hai Dương Kinh của triều đại.

Văn học

Vùng này là nơi đặc biệt gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của 2 trong số những tác gia văn học thực sự lớn đầu tiên của Việt Nam, Nguyễn Trãi (1380–1442) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585). Đó là những người mà tác phẩm của họ có sự dồi dào về số lượng, phong phú về thể tài và có ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình phát triển của nền thơ văn dân tộc, đặc biệt là trong văn học viết. Một yếu tố quan trọng nữa ở các tác gia này là phần lớn tác phẩm của họ vẫn còn được lưu truyền qua nhiều biến động của lịch sử để hậu thế ngày nay có thể nghiên cứu và đánh giá một cách tương đối toàn diện về sự nghiệp văn chương của họ.

Trong thể loại văn xuôi, Nguyễn Dữ ở thế kỷ 16 với kiệt tác Truyền kỳ mạn lục được xem là một cột mốc ghi dấu trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Thời kỳ cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, có Phạm Đình Hổ với Vũ trung tùy bútTang thương ngẫu lục. Thời hiện đại, vùng này là nơi khởi phát của một phong trào cách tân văn học mang tính tiên phong của Việt Nam là nhóm Tự Lực văn đoàn với những tác gia nổi bật như Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Thạch Lam... Cũng có nhiều người không sinh ra ở xứ Đông nhưng có thời gian dài sống và sáng tác tại đây như Nguyên Hồng...

Tôn giáo

Thời Trần, Thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm Yên Tử) được Trần Nhân Tông sáng lập ở Yên Tử. Nơi đây (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh) cũng gắn bó với cuộc đời tu hành của Tuệ Trung Thượng Sỹ. Sau giai đoạn độc tôn Nho giáo của nhà Lê sơ, dưới thời Mạc Phật giáo trở lại một thời kỳ phục hưng ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội ở cả tầng lớp quý tộc và bình dân.

Vai trò của ngôi đình Việt truyền thống (với chức năng là nơi thờ thành hoàng và là nơi hội họp của dân chúng) có thể bắt nguồn từ thời Lê sơ nhưng được định hình rõ ở thời Mạc, đặc biệt xung quanh vùng đồng bằng sông Hồng.

Âm nhạc

Trong Tân nhạcĐỗ Nhuận, Văn Cao, Hoàng Quý (sáng lập Nhóm Đồng Vọng)... là những người sinh trưởng trên đất xứ Đông có đóng góp quan trọng cho nền âm nhạc hiện đại của Việt Nam.